Thứ tư, 17/04/2024

Suy tư 16: Thiên nhiên cho ta nhiều phương thức truyền giáo - Trích trong "Vụn vặt và suy tư" của Lm. Piô Ngô Phúc Hậu.

Cập nhật lúc 10:15 02/01/2015
Con tu hú không làm tổ, đẻ lén trong tổ quạ. Quạ ấp trứng của mình và của tu hú. Quạ mẹ bón mồi cho cả quạ con và tu hú con. Quạ mẹ yêu thương tu hú con y như yêu quạ con. Mẹ quạ tập bay cho tu hú con. Khi biết bay, tu hú bay đi và không bao giờ làm thân con quạ.




1.   Phương thức “con tu hú”.
Con tu hú không làm tổ, đẻ lén trong tổ quạ. Quạ ấp trứng của mình và của tu hú. Quạ mẹ bón mồi cho cả quạ con và tu hú con. Quạ mẹ yêu thương tu hú con y như yêu quạ con. Mẹ quạ tập bay cho tu hú con. Khi biết bay, tu hú bay đi và không bao giờ làm thân con quạ.
Người truyền giáo có thể bắt chước tu hú.

* Không xây trường học mà chỉ làm giáo sư, giáo viên. Không tốn công đào tạo, không tốn sức quản lý, không tốn tiền trả lương... mà vẫn làm chứng tá cho Tin mừng trong môi trường giáo dục.

* Không xây bệnh viện, nhưng làm bác sĩ, y tá, y công. Không tốn tiền xây cất cơ sở, đào tạo chuyên viên... mà Tin mừng vẫn được loan đi qua cuộc sống của y, bác sĩ, y công có tinh thần bác ái bên cạnh những mảnh đời đang đau khổ vì bệnh hoạn tật nguyền.

* Không lập công ty du lịch mang nhãn hiệu Công giáo mà chỉ làm nhân viên hướng dẫn du lịch. Công ty đào tạo mình, trả lương cho mình. Mình vừa làm lợi cho công ty du lịch, vừa truyền giáo qua cách sống đạo đức và qua lời loan báo khôn khéo của mình.

* Ông Nicôđêmô là một con tu hú. Ông đứng trong hàng ngũ của giới lãnh đạo Do Thái chống Đức Giêsu. Ông ăn cơm của người chống Chúa. Nhưng ông không chống Chúa. Ông dùng luật để bênh vực Chúa. Thân xác của ông thuộc về “mẹ quạ”. Cái tâm của ông vẫn thuộc về “mẹ tu hú”.

 2.   Phương thức “con thỏ”.
Căn tính của thỏ là nhát. Người ta thường nói: “Nhát như thỏ”. Thỏ yếu đuối lắm, nên lúc nào cũng phải vểnh tai lên để nghe ngóng. Gặp nguy hiểm thì không bao giờ đối phó, mà chỉ lo chạy trốn. Thỏ đào hang làm hầm trú. Hang có hai cửa. Thò ra ở cửa này mà gặp khó thì thò ra ở cửa kia. Thụt thò cũng là một chiến thuật thỏ dùng để sinh tồn.

Ngoài chiến thuật “thụt thò” và “đào vi thượng sách”, thỏ còn sử dụng chiến thuật thứ ba nữa, đó là sanh đẻ thật mau, thật dày. Thỏ rừng đẻ từ ba đến bốn lứa một năm. Mỗi lứa đẻ từ bốn đến mười con. Thỏ nhà thì đẻ từ sáu đến bảy lứa một năm. Mỗi lứa đẻ từ mười đến mười lăm con.

Chiến thuật của loài thỏ có vẻ hạ sách. Nhưng nhờ đó mà loài thỏ không những tồn tại, mà còn phát triển khủng khiếp. Trước thế kỷ XVI, lục địa Úc Châu không có thỏ. Đầu thế kỷ XVI, di dân từ Âu Châu đến đó, có người mang theo một cặp thỏ... Bây giờ thì thỏ là kẻ thù số một của nông nghiệp tại Úc. Diệt thỏ đã được nâng lên hàng quốc sách. Nhưng thỏ vẫn thắng, nhờ chiến thuật có vẻ hạ sách của nó.

Thời Đế quốc La Mã bắt đạo, Giáo hội Công giáo sống chui lũi như thỏ. Không nhà thờ; trong nhà không bàn thờ; trên người không ảnh tượng... Từ ngoài nhìn vô, tưởng như người Công giáo không còn tồn tại. Sienki-Ewies, nhà văn đoạt giải Nobel văn chương 1905, đã phát giác ra rằng người ta chỉ nhận ra người Công giáo bằng hai dấu hiệu âm thầm sau đây:

* Gia đình Công giáo dù giàu hay nghèo thì cũng chỉ có một vợ một chồng. Người đàn bà Công giáo thời đó bị chế giễu là “con mẹ một chồng”.

* Trong gia đình Công giáo, thì chủ và nô lệ coi nhau như anh em.
Sau 300 năm cấm đạo, người ta tưởng đạo Công giáo đã không còn hiện hữu nữa. Ai ngờ... khi vua Constantinô cho tự do tín ngưỡng vào đầu thế kỷ IV, thì người ta mới thấy người Công giáo xuất hiện ở khắp nơi, trùng trùng điệp điệp y như loài thỏ ở Úc Châu vậy. Nhát và trốn chạy chỉ là chiến thuật chứ không phải là chiến bại.

 3.   Phương thức “trái ké”.
Cây ké thấp tè tè, nhìn ngắm cây sao cao vời vợi. Trái sao có cánh, rớt ra khỏi cành, vừa bay vừa quay theo gió. Bay mãi, quay mãi, rồi mới rớt xuống. Rớt xuống rồi mọc lên thành hằng trăm cây sao con rải rắc khắp nơi. Loài sao phát triển cả về không gian lẫn số lượng, nhờ thân cây sao và trái có cánh.

Cây ké vừa thấp vừa bé, làm thế nào để truyền nòi? Trái ké rụng xuống một đống ở gốc me, sẽ mọc lên thành một đống cây ké con. Ké mẹ và bầy ké con chen chúc bên nhau, giành nhau để ăn, giành nhau để thở. Mẹ con ké, anh em ké phải đạp lên xác nhau để sống. Thế là mẹ con giết nhau, anh em tiêu diệt nhau. Ké sẽ bị tuyệt chủng.

Để gỡ thế bí, cây ké không thèm vươn cao, trái ké không thèm mọc cánh, nhưng trái ké mọc gai lởm chởm. Thế là êm.

* Con trai hái ké, búng vào đầu con gái. Gai ké dính vào tóc con gái. Con gái tức khí, gỡ ra quăng thật xa. Thế là hạt ké mọc lên thành cây ké ở chốn mênh mông. Khỏi kèn cựa, khỏi đấu tranh, mà vẫn truyền nòi.

* Con cọp đi kiếm mồi, chui qua bụi ké. Trái ké dính vào lông cọp. Cọp đi, đi thật xa. Mệt thì nằm nghỉ. Thấy vương vướng ở lông, lấy chân cào bỏ trái ké. Trái ké rớt xuống, mọc lên xa không gian của cây ké mẹ hằng ngàn mét. Tha hồ mà lớn lên, khỏi tranh giành với ké mẹ. Vẫn tồn tại và phát triển, nhờ gai của trái ké và nhờ lông của con cọp. Kế hoạch cao siêu quá, mà cứ tưởng là tình cờ...
Tin mừng cũng được loan đi như thế. Saolô bắt đạo tàn nhẫn ở Giuđê. Thế là tín đồ của Chúa bỏ chạy tán loạn.

* Người giàu thì vượt biên, đi lập nghiệp ở Kyrênê, ở đảo Síp, ở đảo Crét... Đặng chẳng đừng nhưng vô tình Tin mừng được loan báo ở hải ngoại.

* Người nghèo không có khả năng xuất ngoại, thì kéo nhau lên Samari. Người Samari không ưa người Do Thái. Nhưng con cái của Đức Giêsu thì được ưu đãi, vì Đức Giêsu là tác giả của dụ ngôn “Người Samaritanô nhân từ”. Thế là Tin mừng được loan báo ở đây. Tin mừng đến Samari vừa đi vừa hồi hộp, y như trái ké dính vào lông con cọp... 
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Thông tin khác:
LỜI TRI ÂN
Caritas Hưng Hóa xin trân trọng cảm ơn Quý ân nhân, thân nhân cùng toàn thể quí vị gần xa đã có tấm lòng hảo tâm giúp đỡ bằng tình thần, vật chất cho các hoạt động của chúng tôi trong suốt thời gian qua.
Chúng tôi cam kết rằng tất cả các khoản hỗ trợ của Quý vị sẽ được sử dụng đúng mục đích và được thực hiện một cách minh bạch và tối ưu nhất.
Xin Chúa trả công bội hậu, ban nhiều phúc lành cho Quý vị và ước mong Quý vị sẽ mãi đồng hành cùng Caritas Hưng Hóa trong suốt thời gian tới.
 
Caritas Việt Nam: Phóng Sự Nhìn Lại 5 Năm Thông Điệp Laudato Si'
Tiêu điểm
Bác ái Mùa Chay 2024 – Chăn ấm yêu thương
Bác ái Mùa Chay 2024 – Chăn ấm yêu thương
Cùng nhịp bước với Giáo Hội trong những ngày chay thánh, ngày 9.3.2024, Ban BAXH - Caritas Hưng Hoá đã kết nối với các vị ân nhân để trao 50 chiếc chăn ấm cho các gia đình dân tộc H’Mông tại bản Pha Đón, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Thánh ca & Nhạc công giáo
Tâm sự chiếc áo dòng
Bài thánh ca buồn
Mùa đông năm ấy
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.caritashunghoa.org!
log