Thứ hai, 04/11/2024

Suy tư 8: Không ngờ - Trích trong "Vụn vặt và suy tư" của Lm. Piô Ngô Phúc Hậu.

Cập nhật lúc 15:00 21/11/2014
Mình đi làm lễ Chúa nhật ở Cây Bốm, cách nhà thờ Cái Rắn chừng 12 cây số. Trên đường về có một người đàn bà ngoắt tay liên hồi. Mình đoán là bà muốn quá giang. Mình ra lệnh cho tài công ghé bờ.
- Chị muốn quá giang tới đâu ?
- Hổng có. Tôi mời ông cha lên nhà, tôi có chuyện muốn bàn với ông cha.
- Mười phút thôi nhá. Tôi đang bận dữ dội.
- Ông cha vô nhà trước. Có chồng tôi ở nhà. Tôi đi kêu tụi nó.

Hơn một chục cái đầu bới tóc sơ sài. Dăm cái đầu để tóc ngắn không rẽ đường ngôi. Mình tò mò hỏi :
- Sao, bà con có chuyện gì ? Nói thử nghe coi.
- Hết cái xóm này muốn theo đạo ông cha. Chừng nào ông cha mở khóa giáo lý, thì cho tụi tôi hay.
- Chu cha ! Tại sao bà con muốn theo đạo của tôi ? Phải nghiên cứu cho kỹ, kẻo lỡ gặp đạo xấu thì kẹt. Đi hỏi vợ cũng phải tìm hiểu, kẻo lỡ lấy phải bà chằng lửa thì tiêu đời.
- Hổng có đâu. Đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành. Mà đạo của ông cha thì ưu điểm.
- Được rồi. Để tôi báo cho chánh quyền hay trước rồi sẽ mở khóa sau. Đạo đời phải rành rọt đâu vào đó…
ù ù ù
2. Không ngờ 2. (Trích Nhật ký truyền giáo)
Sơn Tây ngày 18 tháng 10 năm 1990
Sáng nay mình đến Tuy Lộc dâng thánh lễ đồng tế với cha xứ nhân ngày bổn mạng họ đạo. Nhà thờ nhỏ xíu. Không có phòng thánh. Áo lễ dọn ngay trên bàn thờ. Mình đang mặc áo thì cha xứ ghé tai nói nhỏ :
- Piô giảng nhá.
- … Dạ.
Miệng thì dạ, mà lòng thì băn khoăn. Có nên giảng ở đây không ? Điều gì nên nói ? Điều gì nên suy gẫm một mình ? Nội dung bài Tin mừng hôm nay là “lên đường truyền giáo”. Mình không dám nói chuyện truyền giáo “hôm nay”, nên chỉ duyệt lại một khúc truyền giáo “hôm qua” : vấn đề thờ cúng tổ tiên.
Dẹp bàn thờ ông bà là một sai lầm có tầm mức chiến lược, nhưng là một sai lầm gần như không thể tránh được. Lý do :
a. Lúc ấy hai nền văn hóa Đông - Tây mới gặp nhau, không thể hiểu được nhau. Bà Pear Buck minh chứng điều đó bằng câu chuyện sau đây :
Có một ông Tây vào một nhà hàng ở Thượng Hải để “ăn cơm Tàu”, sau khi đã được ở nhà Tây. Ông Tây đang ăn ngon miệng, thì bỗng khựng lại, lợm giọng… Ở bàn kế bên, một thực khách Tàu lâu lâu lại nhổ toẹt nước miếng xuống nền gạch bông. Cầm lòng không đặng, ông Tây bèn lên lớp :
- Người Tàu dơ dáy quá ! Nhổ nước miếng xuống đất là bất lịch sự, là làm mất vệ sinh chung.
- Nước miếng dơ, nên người Tàu phải nhổ xuống đất. Như thế là đúng. Còn người da trắng các ông lại nhổ nước miếng vào trong khăn gói lại, rồi cất trong túi quần. Như thế mới mất vệ sinh.
- ?!
Các vị thừa sai thời ấy không thể hiểu nổi danh từ ĐẠO và động từ THỜ trong tiếng Việt Nam. ĐẠO đối với họ chỉ có một nghĩa là TÔN GIÁO. Động từ THỜ của họ chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi. Còn trong tiếng Việt Nam, thì ĐẠO vừa có nghĩa là TÔN GIÁO vừa có nghĩa là cách đối xử : Đạo Vua-Tôi ; đạo Cha-Con ; đạo Vợ-Chồng ; đạo bằng hữu. Động từ THỜ trong tiếng Việt Nam vừa có nghĩa là tôn kính Thượng Đế và thần thánh, vừa có nghĩa là trung thành, chung thủy, hiếu thảo… Dân trung thành với vua, vợ chung thủy với chồng, con hiếu thảo với cha mẹ, đều có thể dùng một động từ THỜ. Ông Phan Văn Trị đã nhắc nhở Tôn Thọ Tường như sau :
Anh hỡi, Tôn Quyền, anh có biết :
Tôi ngay THỜ chúa, gái THỜ chồng !”
Đạo Công giáo là đạo độc thần, nên các vị thừa sai không thể cho thờ ông bà được. “Chỉ thờ một Chúa mà thôi” (Lc 4,8 ; Đnl 6,13). Các vị thừa sai lầm là thế, mà đúng cũng là thế. 
b. Thời ấy người ta tin ông bà về ăn đồ cúng của con cái. Niềm tin này được thể hiện rõ trong ngày “xá tội vong nhân”. Có những bà đạo đức nấu một nồi cháo lớn cho hai đầy tớ khiêng. Còn bà thì đi theo, múc từng muỗng cháo đổ vào lá mít để hai bên đường. Đó là phần bố thí bà dành cho những linh hồn mồ côi. Niềm tin này không phù hợp với giáo lý Công giáo, nên người theo đạo Chúa không được cúng cơm cho người quá cố.
Từ đó sinh ra biết bao hiểu lầm giữa người đạo và người lương. Người lương trách người đạo là bất hiếu, còn người đạo thì không những không bất hiếu mà còn nhờ cả Giáo hội báo hiếu hộ mình bằng cách xin họ đạo dâng lễ cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ… Lúc ấy, cấm cúng giỗ là đúng.
Ngày nay các Giám mục Việt Nam đã điều chỉnh lại toàn bộ việc thờ cúng ông bà. Thờ cúng ông bà là văn hóa dân tộc và người tín hữu được tích cực tham gia mọi nghi lễ thờ cúng ông bà…
Bài giảng của mình làm mọi người chưng hửng, ngơ ngác. Mình ở lại ăn cơm với họ đạo. Cha xứ không nói gì về bài giảng. Giáo dân cũng chẳng phát biểu gì. Bài giảng rơi tõm xuống sông…
Sơn Tây, ngày 26 tháng 10 năm 1990
Mình đang sửa soạn đi ăn cơm, thì bà phước ghé tai, nói nhỏ :
- Cha có khách.
- Ai thế ?
- Bốn ông cán bộ hưu ở Tuy Lộc.
- Chết cha tôi rồi. Chắc là có vấn đề. Chị có đoán được là họ muốn gì không ?
- Con không biết. Họ nói là họ muốn trao đổi với cha về bài giảng của cha đấy.
- Bài giảng của tôi hiền khô à. Chuyện một trăm năm về trước ấy mà.
- Cha ra đi. Con bưng nước ra sau.
Mình đi thật chậm, và muốn có một không gian vô tận để đi mãi mà không tới.
- Chào linh mục.
- Chào các ông.
- Bài giảng của linh mục được thu băng, phổ biến khắp xã. Chúng tôi không đi lễ mà cũng được nghe.
- Các ông thấy có vấn đề gì không ? Ai thu băng thì tôi không hề hay biết. Nếu biết thì tôi không cho thu băng.
- Bài giảng của linh mục có rất nhiều vấn đề mà từ xưa đến nay chúng tôi chưa được biết. Chắc là linh mục có băn khoăn về việc chúng tôi đến thăm linh mục hôm nay. Tôi xin nói ngay để linh mục an tâm. Nhờ bài giảng của linh mục, chúng tôi mới hiểu tại sao người Công giáo không thờ cúng tổ tiên. Bây giờ, hiểu rồi, chúng tôi đến đây để xin… học đạo.
Hai cái “không ngờ” đưa mình đi đến kết luận :
F Hội nhập văn hóa là khẩn trương. Bỏ bàn thờ ông bà là một sai lầm lớn lao, là hàng rào cản khiến lương dân không thể theo đạo Chúa. Chính người truyền giáo đã dựng lên hàng rào cản ấy. Đau quá !
F Truyền giáo chỉ là trình bày tình yêu của Thiên Chúa được ngỏ bày trong Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu yêu thương đặc biệt : người ngoại, người tội lỗi, người nghèo và bệnh tật. Cứ yêu như thế thì lương dân sẽ đón nhận Tin mừng một cách ồ ạt.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Thông tin khác:
Dấn thân (12/09/2014)
LỜI TRI ÂN
Caritas Hưng Hóa xin trân trọng cảm ơn Quý ân nhân, thân nhân cùng toàn thể quí vị gần xa đã có tấm lòng hảo tâm giúp đỡ bằng tình thần, vật chất cho các hoạt động của chúng tôi trong suốt thời gian qua.
Chúng tôi cam kết rằng tất cả các khoản hỗ trợ của Quý vị sẽ được sử dụng đúng mục đích và được thực hiện một cách minh bạch và tối ưu nhất.
Xin Chúa trả công bội hậu, ban nhiều phúc lành cho Quý vị và ước mong Quý vị sẽ mãi đồng hành cùng Caritas Hưng Hóa trong suốt thời gian tới.
 
Caritas Việt Nam: Phóng Sự Nhìn Lại 5 Năm Thông Điệp Laudato Si'
Tiêu điểm
Thánh ca & Nhạc công giáo
Tâm sự chiếc áo dòng
Bài thánh ca buồn
Mùa đông năm ấy
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.caritashunghoa.org!
log