Thứ tư, 11/09/2024

Suy niệm mầu nhiệm năm sự mừng - Trích trong "Vụn vặt và suy tư" của Lm. Piô Ngô Phúc Hậu.

Cập nhật lúc 14:25 07/04/2015
Mầu nhiệm thứ nhất: Chúa Giêsu sống lại. Chúa tắt thở vào lúc ba giờ chiều thứ sáu. Chỉ còn ba tiếng đồng hồ nữa thì bắt đầu giữ luật ngày Sabát: tuyệt đối không lao động kể cả nấu cơm và trị bệnh! Không đi bộ quá 900 mét (nếu đi rồi về).

Chỉ còn ba tiếng đồng hồ, hai ông Giuse và Nicôđêmô phải vắt giò lên cổ để chu toàn những việc sau đây:

- Đến dinh Tổng trấn Philatô để khai tử và xin làm lễ an táng cho Chúa. Làm xong công tác này, nếu không gặp trục trặc, thì cũng phải mất ít nhất là một giờ.
- Hạ xác Chúa xuống, tắm rửa, lau chùi, tẩm liệm theo đúng tục lệ rồi an táng Chúa trong ngôi mộ gần đó. Chỉ có hai ông già làm mọi động tác từ A đến Z. Người đàn ông thứ ba là Gioan thì phải túc trực bên Đức Mẹ. Phụ nữ thì đông lắm nhưng họ chỉ còn đủ sức để khóc và than thôi. Nếu họ có làm được gì, thì chỉ là làm cho lễ nghi an táng chậm lại mà thôi.
Vì vậy lễ an táng không thể nhanh hơn một tiếng đồng hồ.
- Thời giờ còn lại thì ai nấy phải tranh thủ để có mặt ở nhà trước khi mặt trời lặn.
Màn đêm buông xuống. Khu mộ vắng tanh. Một nỗi buồn khủng khiếp bao trùm cả ngôi mộ lẫn mọi cõi lòng. Chẳng còn ai muốn nói với ai. Chẳng ai buồn ngủ. Chẳng ai muốn ăn. Y như những cái xác không hồn...

Đêm thứ sáu, ngày thứ bảy, đêm thứ bảy lặng lẽ trôi qua. Chẳng có gì xảy ra, ngoài những nét mặt u buồn và những tiếng khóc bất chợt.
Đùng một cái, vào hừng đông Chúa Nhật, cả thủ đô Giêrusalem bùng vỡ thông tin.

- Lính gác mộ hớt hải báo tin cho Thượng tế biết rằng Chúa đã sống lại thật. Thượng tế cho họ thật nhiều tiền để họ xuyên tạc nguồn tin. Nhưng tin động trời ngàn năm chưa có một lần, thì phải bùng vỡ.
- Các bà phụ nữ ra viếng mộ, thấy mộ trống thì bỏ về. Về chưa tới nhà thì gặp Chúa hiện ra.
- Bà Mácđala gặp Chúa hiện ra tại ngôi mộ và được lệnh về báo tin cho anh chị em.
- Ông Clopas và một ông bạn buồn quá bỏ thủ đô đi về làng Emmaus. Chúa hiện ra với họ và cho họ nhận ra Người vào buổi tối hôm ấy.
Tình hình chung vẫn là buồn rầu và xao xuyến. Chẳng ai biết tương lai sẽ ra sao...

Mẹ yêu dấu. Chúng con thấy Mẹ đứng bên cạnh Chúa khi Người hấp hối. Rồi chờ mãi đến 43 ngày sau chúng con mới được gặp Mẹ đang sốt sắng cầu nguyện bên mười một Tông đồ và nhóm phụ nữ. Đó là ngày Chúa về trời, chúng con còn được thấy Mẹ một lần nữa, lần cuối cùng. Đó là ngày lễ Ngũ Tuần. Vậy thì Mẹ ở đâu và làm gì trong suốt 43 ngày đó. Mẹ có ra thăm mộ của Chúa không? Chúa có hiện ra với Mẹ không? Trong lúc mọi người buồn rũ rượi ra thì Mẹ nói gì với họ? Thánh Kinh im lặng một cách đáng tiếc. Nhưng chúng con tin rằng Mẹ vẫn có mặt ở Giêrusalem, Mẹ là linh hồn của Giáo Hội sơ khai. Mẹ vẫn ĐỨNG để không ai ngã đổ.

Mầu nhiệm thứ hai: Chúa Giêsu lên trời.

Từ ngày Phục Sinh, Chúa vẫn hiện ra lai rai, khi thì với tập thể, khi thì với cá nhân, khi thì ở thủ đô, khi thì ở Emmaus hoặc ở biển hồ Galilê.

Bốn mươi ngày cứ trôi qua như thế. Hồi hộp chờ đợi. Gặp Chúa thì vui khôn xiết. Chúa biến đi thì tiếc hùi hụi. Mọi người chẳng biết làm gì, chẳng muốn làm gì, chỉ mong gặp Chúa thôi. 
Thế rồi, một hôm, Chúa hiện ra với họ: an ủi dặn dò. Dặn rằng:

- Đừng rời khỏi Giêrusalem.
- Hãy cầu nguyện.
- Hãy chờ đợi Chúa Thánh Thần đến.
- Rồi sẽ đi đến tận cùng trái đất để loan báo và làm chứng tá cho mọi điều đã được nghe, đã được thấy.

Rồi Thầy đi trước, trò lẽo đẽo theo sau. Đi tới đâu và để làm gì thì chẳng ai biết. Bỗng Thầy dừng chân ở núi Cây Dầu, gần làng Bêtania. Trò tụ lại quanh Thầy. Thầy giơ tay chúc lành.
Chưa kịp hỏi Thầy, thì bỗng Thầy bốc lên, lên mãi cho tới khi không thấy Thầy nữa. Trò ngẩn ngơ như mất hồn.

Bỗng có hai người lạ xuất hiện. Tưởng là Thầy, mừng quá. Té ra là sứ thần của Thầy sai đến. Sứ thần khuyên các ông trở về. Các ông lục đục kéo nhau về nhà bà Maria mẹ của Máccô, leo lên lầu, cầu nguyện liên tục cùng với Đức Mẹ và các phụ nữ thừa sai.
Được cầu nguyện bên cạnh Đức Mẹ, được cầu nguyện với Đức Mẹ. Sung sướng và sốt sắng quá chừng.

Chúa về trời mất rồi, biết đến bao giờ Người mới trở lại. Một mất mát to lớn quá chừng. Nhưng... dường như cũng chẳng sao, vì vẫn còn Đức Mẹ ở đó.
Ba năm trời anh em Tông đồ được nghe Chúa giảng về Nước Trời. Bây giờ được nghe Đức Mẹ kể chuyện về 33 năm cuộc đời của Chúa. Mọi kỷ niệm về cuộc đời của Chúa, Mẹ đều ghi khắc trong lòng, suy đi nghĩ lại mãi, nên chẳng quên một tí nào. Một hồi ức phong phú vô cùng vô tận.

Anh em Tông đồ rất sợ cây khổ giá, họ chỉ ham quyền và lợi. Chúa nói về cây khổ giá, họ điếc không thèm nghe. Họ chẳng muốn nghe. Cái chức thủ tướng đeo đẳng họ suốt ba năm trời. Ngay trong phòng Tiệc Ly cận kề bên cuộc thọ nạn, họ vẫn còn giành nhau chức thủ tướng ấy (Lc 22,24).

Bây giờ họ được Đức Mẹ tâm sự về cuộc đời cay đắng của Người. Đức Mẹ sẽ giải thích để họ hiểu rằng theo Chúa thì phải khổ lắm. Đó là sự đóng góp quý giá vào công trình cứu độ của Chúa. Đức Mẹ nói bằng lời, bằng cảm xúc và bằng chính cuộc đời của ngài. Có lẽ bây giờ các Tông đồ mới hiểu được lời, ý và tâm của Thầy mà trong ba năm qua, họ cứ ngơ ngơ chẳng hiểu gì.

Mẹ yêu dấu. Các Tông đồ được sống bên Mẹ ít nhất là mười ngày. Sung sướng vô cùng. Ước gì chúng con cũng được sống với Mẹ, cầu nguyện với Mẹ như thế.

Mầu nhiệm thứ ba: Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Tòa nhà lầu của bà Maria, mẹ của Máccô: cửa đóng im ỉm, cổng cài chốt kỹ càng. Ở đó có Đức Mẹ, mười một Tông đồ cùng với Mathia người tân cử, các bà phụ nữ thừa sai và vô số người khác. Hằng trăm người ăn ở đó, nghỉ ở đó, cầu nguyện ở đó.

Một nỗi sợ bao trùm. Chúa thì về trời rồi chẳng còn ai đứng mũi chịu sào. Phêrô, vị thủ trưởng thì chẳng có một tí uy tín nào để lãnh đạo anh em. Qua cuộc thọ nạn của Thầy, chẳng anh nào mà không có khuyết điểm. Anh nào cũng mặc cảm tội lỗi đầy mình. Giới lãnh đạo thì đang chĩa mũi dùi trả thù về phía các Tông đồ. Tin Chúa Phục Sinh càng làm cho tình thế an sinh của các Tông đồ trở nên căng thẳng hơn.

Vẫn cầu nguyện đấy. Vẫn có Đức Mẹ ở đấy. Nhưng vẫn sợ quá chừng. Sợ bị bắt. Sợ bị tra tấn. Cái tin đồn “đệ tử ăn trộm xác ông Giêsu đem cất giấu để phao tin ông ấy sống lại” đang là một nỗi lo lớn bao phủ trên toàn bộ đoàn “Mười Hai”.

Sợ quá. Chẳng biết làm gì để đối phó. Đành phó mặc cho số phận. Hằng trăm người đang nơm nớp sợ hãi, đang tha thiết cầu nguyện thì...
- Căn nhà lầu rung lên như có động đất. Hết hồn hết vía.
- Cuồng phong nổi lên, giật sút chốt cửa, thổi ào ào vào căn phòng rộng rinh làm đảo lộn đồ đạc trong nhà. Không còn hồn vía để sợ nữa. Mặt người nào cũng tái xanh tái xám.
- Một khối lửa to như cái thúng, quay quay như cối xay bằng lửa. Lửa bay tung tóe, đáp xuống trên đầu người ta. Thế là ai nấy đều lột xác. Nhát sợ biến thành can đảm. Mừng quá thể. Cứ ôm lấy nhau mà nhảy múa. Hứng quá chừng. Mọi người ào ào xuống sân, mở tung cổng để ra phố, chạy vù vù lên đền thờ, thi nhau kể chuyện Đức Giêsu Phục Sinh. Kể cho dân ngoài phố nghe. Kể cho ông Thượng tế nghe. Kể như điên như khùng. Ba ngàn người nghe cứ thấy nhói trong tim. Ba ngàn người ấy tin vào Đức Giêsu.

Thế là Giáo Hội chính thức ra mắt với thế giới. Từ ba ngàn người mà lớn lên thành năm ngàn người. Cứ thế mà lớn lên mãi, bất chấp tù đày, bất chấp chết chóc.
Người ta bảo rằng ngày hôm ấy là ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chúa Thánh Thần là sức mạnh bất khuất, là niềm an ủi vỗ về, là sự khôn ngoan tuyệt đối, là hạnh phúc vô cùng cho muôn người và muôn đời.

Mẹ kính mến. Mẹ có mặt bên các Tông đồ suốt mười ngày cầu nguyện và chờ mong Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Mẹ và trên các Tông đồ. Sau đó các Tông đồ lên đường loan báo Tin Mừng. Thánh Kinh chẳng nói gì về Mẹ nữa. Nhưng chắc chắn là Mẹ cũng lên đường truyền giáo, vì đó là lời trăng trối của Chúa trước khi về trời. Xin Mẹ cũng dìu dắt chúng con  lên đường truyền giáo như Giáo Hội hôm ấy, với bầu nhiệt huyết như thế.
 
Mầu nhiệm thứ tư: Đức Chúa Trời cho Đức Mẹ lên trời.

Từ Lễ Ngũ Tuần trở đi, Thánh Kinh không còn nói gì về Đức Mẹ nữa. Gioan thì nói rằng từ khi Chúa tắt thở, ông đưa Đức Mẹ về nhà của ông (Ga 19,27). Luca thì kể rằng sau khi Chúa về trời rồi, anh em Tông đồ trở về căn nhà có lầu để tạm trú. Họ cùng Đức Mẹ cầu nguyện sốt sắng cho tới Lễ Ngũ Tuần (Cv 1,13-14).

Sau đó tất cả những thông tin về Đức Mẹ chỉ là truyền khẩu, chỉ là giai thoại, chỉ là suy luận. Người ta suy luận rằng năm 42, Thánh Luca theo đạo. Lúc đó Đức Mẹ suýt soát ngũ tuần. Vài ba năm sau Luca còn gặp Đức Mẹ ở đâu đó để phỏng vấn, để có một số tài liệu về thời thơ ấu của Chúa. Nghĩa là vào cuối thập niên 40 thì Đức Mẹ vẫn còn sống. Từ đó người ta suy đoán rằng Đức Mẹ thọ trên 60 tuổi.

Một giai thoại kể rằng khi Đức Mẹ qua đời, thì các Tông đồ đều có mặt dự lễ an táng, trừ Thánh Tôma. Ba ngày sau, ngài mới về tới. Lúc ấy xác Đức Mẹ đã được an táng trong mộ đá. Thánh Tôma đòi mở cửa mộ để cho ngài được nhìn lại Đức Mẹ lần cuối cùng. Nhưng khi cửa mộ mở ra thì chẳng thấy xác Đức Mẹ đâu. Chỉ thấy một khoảng trống buồn hiu. Huyền thoại kết luận rằng: Đức Mẹ đã được Con của Mẹ rước về trời rồi.

Sự kiện Đức Mẹ sống lại và về trời cứ âm ỉ loan truyền và được hầu hết tín hữu trong Giáo Hội tin. Tin chỉ là một tự nguyện chẳng ai buộc ai, chẳng ai ép ai. Nếu có ai không muốn tin như thế thì cũng chẳng sợ bị vạ tuyệt thông.

Mãi cho tới năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII với quyền thừa kế Thánh Phêrô đã chính thức công bố tín điều Đức Maria đã được Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác.
Chúa đã phục sinh và thăng thiên với cả hồn lẫn xác, thì Đức Mẹ cũng được hưởng ơn ấy do quyền phép của Chúa ban cho như một đặc ân bắt nguồn từ ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Mẹ yêu dấu.
Xác Chúa sống lại và đã thăng thiên. Xác Mẹ cũng sống lại và được Chúa đưa về trời. Đó là một phần cao quý mà Chúa đã ban cho Mẹ. Nhưng đó cũng là cái giá mà Mẹ đã phải trả.
Mẹ đã ngậm đắng nuốt cay từ ngày sanh con cho tới ngày Chúa phục sinh. Ông già Simêon đã gieo vào lòng Mẹ một câu nói đầy ấn tượng:“Trẻ này sẽ nên như lưỡi dao sắc xuyên qua tim của cháu”.
Mẹ không được đi truyền đạo với Chúa để được nghe những lời ca tụng ngọt ngào thốt ra từ miệng muôn người phụ nữ ái mộ Chúa: “Phúc thay lòng nào đã cứu mang Thầy và cho Thầy bú”. Mẹ phải ở trong làng Nadarét nơi có lần đồng hương đòi giết Chúa. Nadarét là nhà tù của Mẹ. Nhưng là nhà Chúa Cha muốn để Mẹ đồng công với Con của Mẹ để cứu độ chúng con. Cám ơn Mẹ. Ngợi khen Mẹ.

Mầu nhiệm thứ năm: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ lên trời.

Đức Mẹ được Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần tôn vinh trên hết mọi thụ tạo. Vì thế Giáo Hội tôn vinh Mẹ là Nữ Vương các Thiên Thần, Nữ Vương các Thánh Tông Đồ, Nữ Vương các Thánh Tử Đạo v. v. Nói tóm lại thì gọi Đức Mẹ là Nữ Vương Trời Đất hay vũ trụ gì thì cũng được hết.

Điều này Đức Mẹ đã linh cảm được khi sứ thần truyền tin cho Mẹ thụ thai Đấng Cứu Thế. Chính Mẹ đã ngỏ bày tâm sự ấy với bà Êlisabét.
“Em sướng quá chị ạ.
Em chỉ là một nô tỳ hèn mọn
Mà lại được Chúa chiếu cố.
Từ nay mọi thời sẽ khen em là người diễm phúc”.
Nếu có ai hỏi tại sao Chúa lại ban cho Mẹ nhiều hồng ân như thế, thì chắc chắn Đức Mẹ cũng chỉ trả lời gọn hơn thế này:
“Tất cả chỉ là hồng ân.
Chúa muốn thế và mọi sự đã là thế”.

Đúng thế thật. Thiên Chúa toàn năng đã thực hiện biết bao điều kỳ diệu trong vũ trụ: từ một bông hoa rực rỡ dưới ánh mặt trời, cho tới những vì sao lấp lánh trên bầu trời vô biên; từ những mạch máu li ti trong một con côn trùng bé nhỏ, cho tới những sợi thần kinh trong bộ não của một sinh vật có lý trí; từ một hạt nguyên tử siêu nhỏ linh hoạt trong một hạt cát tí xíu, cho tới một hành tinh khổng lồ di chuyển kỳ diệu trong một hệ thống hình túi tuyệt vời.

Và bây giờ Ngài lại làm cho một thụ tạo bé nhỏ tầm thường trở thành một vị Nữ Hoàng đầy quyền phép cộng tác và can thiệp vào mọi chi tiết trong lịch sử và công trình cứu độ. Đó là một vinh dự cho loài người. Đó là một niềm hãnh diện cho loài động vật có lý trí.

Mẹ yêu dấu.
Chúa Ba Ngôi yêu Mẹ. Ngôi Thứ Hai của Chúa Ba Ngôi gọi Mẹ là Mẹ. Hôm nay hằng tỉ người trên thế giới cũng gọi Mẹ là Mẹ. Mỗi ngày hằng tỉ người đọc Kinh Kính Mừng. Mỗi Kinh Kính Mừng nhắc đến tên Mẹ hai lần. Tên của Mẹ là Maria được muôn muôn người hằng ngày nhắc đến hằng nhiều tỉ lần. Các ông già bà già, các trẻ thơ đều gọi tên Mẹ một cách thành kính và yêu thương.
Trên thế giới có không biết là bao nhiêu nơi hành hương của Mẹ. Hằng năm người ta vượt trùng khơi để tiến về các nơi hành hương ấy để tôn vinh Mẹ, để khấn vái Mẹ. Và không biết là bao nhiêu người được Mẹ ban ơn cho tâm hồn, cho thể xác. Trùng trùng, điệp điệp. Vô vàn vô số. Không người đếm nổi. Và số người ấy càng ngày càng gia tăng. Hằng ngày, hằng tháng, hằng năm.
Ôi, Mẹ tuyệt vời của chúng con.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Thông tin khác:
LỜI TRI ÂN
Caritas Hưng Hóa xin trân trọng cảm ơn Quý ân nhân, thân nhân cùng toàn thể quí vị gần xa đã có tấm lòng hảo tâm giúp đỡ bằng tình thần, vật chất cho các hoạt động của chúng tôi trong suốt thời gian qua.
Chúng tôi cam kết rằng tất cả các khoản hỗ trợ của Quý vị sẽ được sử dụng đúng mục đích và được thực hiện một cách minh bạch và tối ưu nhất.
Xin Chúa trả công bội hậu, ban nhiều phúc lành cho Quý vị và ước mong Quý vị sẽ mãi đồng hành cùng Caritas Hưng Hóa trong suốt thời gian tới.
 
Caritas Việt Nam: Phóng Sự Nhìn Lại 5 Năm Thông Điệp Laudato Si'
Tiêu điểm
Thánh ca & Nhạc công giáo
Tâm sự chiếc áo dòng
Bài thánh ca buồn
Mùa đông năm ấy
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.caritashunghoa.org!
log