Thứ tư, 17/04/2024

Nhật ký Mục vụ Điện Biên của Đức cha Anphong - Ngày thứ nhất

Cập nhật lúc 16:06 30/11/2014
Điện Biên, cho đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa công nhận sự có mặt của đạo Công giáo tại đây, chưa cho thiết lập giáo xứ, xây dựng nhà thờ, bổ nhiệm linh mục đến làm việc mục vụ, tuy trong thực tế, vẫn để cha Phạm thanh Bình từ Sapa tỉnh Lào Cai đến Điện Biên làm mục vụ vài tháng một lần.
Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hóa muốn khởi động Mùa Vọng 2015 bằng việc thực hiện chuyến đi mục vụ ở những miền xa xôi, nhiều khó khăn nhất của giáo phận, trong ý thức đáp lại lời mời gọi của Đức thánh cha Phanxicô là ra đi đến vùng ngoại biên, nơi anh chị em chúng ta đang khao khát Đức Kitô và niềm vui của Tin Mừng. Quả thật tại ba tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên, cho đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa công nhận sự có mặt của đạo Công giáo tại đây, chưa cho thiết lập giáo xứ, xây dựng nhà thờ, bổ nhiệm linh mục đến làm việc mục vụ, tuy trong thực tế, vẫn để cha Phêrô Phạm thanh Bình từ Sapa tỉnh Lào Cai đến Điện Biên làm mục vụ vài tháng một lần. Chuyến mục vụ đầu tiên được thực hiện từ ngày 29.11.2014 đến 04.12.2014 tại tỉnh Điện Biên.

Ngày thứ nhất (thứ 7, ngày 29.11.2014)

Chiều hôm nay, Đức cha phụ tá cùng cha Phêrô Phạm Thanh Bình, quản xứ Sapa, kiêm cộng đoàn Điện Biên và cha Giuse Nguyễn Văn Thành, quản xứ Lào Cai, bắt đầu chuyến đi mục vụ Điện Biên. Vì buổi sáng có lễ khấn dòng của 23 nữ tu Mến Thánh Giá, nên đoàn phải đáp máy bay Hà Nội – Điện Biên để kịp dâng thánh lễ khai mạc Năm Phụng Vụ cho bà con giáo dân. Nếu đi bằng đường bộ phải mất một ngày, còn đi máy bay thì chỉ mất một tiếng đồng hồ mà được lợi mọi mặt: thời gian, sức khỏe và chi phí!  
Điện Biên nằm ở phía Tây-Tây Bắc của Việt Nam, cách Hà Nội hơn 500km, là thành phố lịch sử gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ, trận chiến năm 1954 tại đây đã đặt dấu chấm hết cho nền đô hộ của Pháp tại Việt Nam. Thành phố Điện Biên hôm nay đã thay da đổi thịt để trở nên một thành phố du lịch, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến tham quan những di tích lịch sử.  
Về mặt tôn giáo, như đã nói ở trên, đến nay chính quyền Điện Biên vẫn chưa chính thức công nhận đạo Công giáo được sinh hoạt như Tin Lành và Phật giáo. Theo cha Bình, số giáo dân ở tỉnh Điện Biên gồm 2.200 người tại các nhóm như sau: Điện Biên 500 người, Mường Ảng 150 người, Tủa Chùa 150 người, Huổi Thủng 460 người, Na Cô Sa 430 người, Nậm Chẩn 260 người, Nà Bủng 100 người, Nậm Vì 70 người, Mường Nhé 80 người.
Khi máy bay sắp sửa hạ cánh, từ trên cao chúng tôi thấy Điện Biên thật đẹp với núi rừng trùng điệp, cánh đồng Mường Thanh trở nên độc đáo lạ lùng giữa miền cao nguyên núi rừng. Cánh đồng này cung cấp một loại lúa nếp dẻo thơm độc đáo.
Chúng tôi được đón về nghỉ tại nhà anh chị Đaminh Vũ Văn Thiết và Maria Nguyễn Thị Vóc tại xã Noọng Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Anh chị đã tỏ lòng hiếu khách với chúng tôi trong việc nhường căn lầu trên cho chúng tôi, dọn những bữa cơm ngon lành để lấy sức mà làm việc mục vụ, đi đây đi đó, khiến tôi nhớ đến gia đình Bêthania xưa đã đón tiếp Chúa Giêsu vào nhà mình.
Thánh lễ đầu tiên được cử hành tại nhà anh chị Huân- Thoan ở xã Noọng Hẹt, huyện Điện Biên. Từ 7 năm nay, cộng đoàn đã mượn gia đình anh để làm nơi cầu nguyện và dâng lễ. Có thể nói gia đình anh như là nhà nguyện của của cộng đoàn. Khoảng 200 giáo dân từ các nơi xa xôi như Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Sapa, hay từ trong thành phố Điện Biên đã có mặt. Ngày mai cũng là phiên chầu lượt của cộng đoàn Điện Biên. Các giáo xứ, giáo họ muốn thể hiện tâm tình hiệp thông, liên kết với cộng đoàn Điện Biên, nên không quản ngại đường xá xa xôi, như đoàn Sapa cách xa 300 cây số, đoàn dân tộc H’Mông Nậm Pồ cách tới 200 cây số. Thật là một sự nâng đỡ trong đức tin cho cộng đoàn Điện Biên. Chúng tôi được biết rằng để đến Điện Biên, anh chị em H’Mông ở Mường Nhé phải tốn khoảng 500 ngàn đồng, điều không dễ dàng đối với người dân tộc.
Chúng tôi dành thời giờ ngồi tòa giải tội cho giáo dân, giúp họ đón nhận ơn tha thứ của Chúa. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để chúng tôi tiếp cận với họ, nhờ đó hiểu họ hơn và có kế hoạch thích hợp cho việc mục vụ. Trong khi chúng tôi ngồi tòa thì cộng đoàn chầu Thánh Thể. Bầu khí sốt sắng giúp cho  cộng đoàn đi vào nề nếp của một họ đạo.
Thánh lễ Chúa nhật I Mùa Vọng được cử hành vào lúc 8 giờ tối. Trong bài giảng, Đức cha phụ tá đã nêu bật ý nghĩa của Mùa Vọng là mùa chuẩn bị tâm hồn người tín hữu đón mừng kỷ niệm Chúa Giáng Sinh, và chờ mong Ngài sẽ trở lại trong vinh quang, bằng thái độ tỉnh thức, sẵn sàng như đang cầm nến cháy sáng. Ngài cũng ví bà con giáo dân ở Điện Biên hôm nay như đang ở trong một mùa Vọng khác, là chờ mong ngày được công khai nhìn nhận quyền tự do tôn giáo như tại các nơi khác trong giáo phận hay đất nước Việt Nam. Trong khi chờ đợi ngày ấy, giáo dân phải tỉnh thức và sẵn sàng, như đang cầm đèn cháy sáng chờ đợi Chúa Kitô đến, bằng cách sống đức tin. Ngài nói: “Nếu vậy, anh chị em cần phải làm hai việc này. Thứ nhất, củng cố bản thân, gia đình và cộng đoàn  thật vững chắc trong đức tin; Thứ hai, loan báo cho mọi người biết về tình thương của Thiên Chúa, tức là truyền giáo”.
Đây là lần thứ hai Đức cha Anphong đến thăm cộng đoàn Công giáo tại Điện Biên. Ngài cảm động trước một cộng đoàn nhỏ bé thân thương này. Ngày thứ nhất đã qua đi với biết bao ơn lành. Xin tạ ơn Chúa và cám ơn mọi người đã cầu nguyện cho chuyến đi mục vụ này. Chúa nhật ngày mai sẽ là một ngày vất vả với bao công việc bộn bề.
 
Đức cha Anphong và quí cha đợi giờ lên máy bay
Đoàn đã có mặt tại sân bay Điện Biên
Cộng đoàn Điện Biên chào đón Đức cha Anphong
Cộng đoàn tham dự Thánh lễ sốt sáng
Đức cha Anphong chia sẻ trong Thánh lễ tối thứ 7
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành
Thông tin khác:
LỜI TRI ÂN
Caritas Hưng Hóa xin trân trọng cảm ơn Quý ân nhân, thân nhân cùng toàn thể quí vị gần xa đã có tấm lòng hảo tâm giúp đỡ bằng tình thần, vật chất cho các hoạt động của chúng tôi trong suốt thời gian qua.
Chúng tôi cam kết rằng tất cả các khoản hỗ trợ của Quý vị sẽ được sử dụng đúng mục đích và được thực hiện một cách minh bạch và tối ưu nhất.
Xin Chúa trả công bội hậu, ban nhiều phúc lành cho Quý vị và ước mong Quý vị sẽ mãi đồng hành cùng Caritas Hưng Hóa trong suốt thời gian tới.
 
Caritas Việt Nam: Phóng Sự Nhìn Lại 5 Năm Thông Điệp Laudato Si'
Tiêu điểm
Bác ái Mùa Chay 2024 – Chăn ấm yêu thương
Bác ái Mùa Chay 2024 – Chăn ấm yêu thương
Cùng nhịp bước với Giáo Hội trong những ngày chay thánh, ngày 9.3.2024, Ban BAXH - Caritas Hưng Hoá đã kết nối với các vị ân nhân để trao 50 chiếc chăn ấm cho các gia đình dân tộc H’Mông tại bản Pha Đón, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Thánh ca & Nhạc công giáo
Tâm sự chiếc áo dòng
Bài thánh ca buồn
Mùa đông năm ấy
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.caritashunghoa.org!
log